Sáng nay, tôi vội vã lái xe về nhà sau khi làm xong mấy việc lặt vặt. Khi tôi quẹo phải vào khu phố tôi sống, chỗ hơi choán tầm nhìn vì mấy bụi cây, thì một cậu bé mặc áo thun vàng băng vụt qua đường, ngay trước mũi xe tôi. Nó nhướn hết cả người trên pedal chiếc xe màu đỏ, gò chân đạp. Lù lù ngay trước mũi xe tôi, thằng bé vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Đúng thế! Nó vù qua, cách cản xe tôi có vài phân. Tôi đạp mạnh bàn thắng, phản ứng hoàn toàn vô thức trong khi nó đã phóng đi mất hút. Run bần bật, phải mất một phút sau tôi mới thở lại được. Chỉ trong một tích tắc khủng khiếp thôi, thằng bé chắc chắn đã tiêu đời. Rồi cha mẹ nó sẽ đau khổ suốt đời, và cuộc sống của tôi sẽ mãi là một chuỗi ác mộng.
Vẫn tiếp tục xuôi dọc theo con phố, tôi nhớ lại gương mặt thằng bé thoáng sượt qua. Được cường điệu thêm bởi nỗi sợ, tôi nhớ như in đôi mắt mở lớn của nó, mang vẻ bạo dạn, lì lợm pha lẫn với vẻ sợ sệt. Lại còn nụ cười vênh váo hơi nhá lên bày tỏ sự chiến thắng cái thế giới hay lo lắng đến nhàm chán của người lớn nữa chứ. Hình ảnh nó sống động quá, chẳng mảy may đoái hoài đến nỗi kinh hãi của tôi. Thế là cảm giác hú vía vì suýt nữa giết chết nó được thay thế ngay bằng cơn giận phừng phừng.
Cáu sườn và bức bối vì sự bất cẩn của thằng bé chứ không phải của mình, tôi lái xe về nhà. Nỗi ám ảnh đó cứ đeo đẳng tôi mãi khiến tôi không yên suốt cả ngày. Tới khi trời chạng vạng, tôi chợt nhớ lại chuyện về Mike Roberts, thằng bạn nối khố của tôi cách đây lâu lắm rồi.
Hồi đó, cha tôi là bác sĩ trong một thị trấn Sông Ohio nhỏ bé. Cha mẹ tôi và cha mẹ Mike là chỗ bạn bè thân tình. Thật ra, nhà của nó chỉ cách bệnh viện của cha tôi có một dãy phố.
Mikey, tên thân mật của Mike, rất gan dạ và thích mạo hiểm. Mẹ cậu ta, cô Judy, rất quý mến bọn con nít tụi tôi. Cô thường làm món bánh quy bơ đậu phộng đãi mọi người. Nhà họ không bao giờ khoá, tôi thường tới chơi và ở lại.
Vào thứ Sáu nọ, mẹ tôi đi Cincinnati để mua sắm nên bảo tôi tới nhà Roberts ở một ngày. Cô Judy đang chờ tôi tới.
Cho dù mẹ đã dặn là khôn được ăn quá nhiều bánh quy và không được đi xe đạp ra đường, nhưng khi mẹ vừa rời khỏi, tôi liền nhảy phóc lên xe đạp, phóng thẳng tới nhà Roberts. Cách chỗ cua dẫn đến khu phố nhà Mikey chừng 50 mét, chợt tôi nghe thấy một tiếng rít rợn người. Đó là tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường lẫn với tiếng đạp thắng đột ngột. Âm thanh chỉ rú lên rồi im bặt mà tôi tưởng như nó kéo dài vô tận. Tiếp theo lá tiếng kim loại va vào nhau loảng xoảng. Trong nháy mắt tôi phóng xe hết tốc lực, quẹo vào góc phố nơi phát ra âm thanh đó.
Một chiếc xe tải nằm giữa đường, gần như quay ngang. Ngay trước tấm chắn bùn là chiếc Schwinn đỏ của Mike, gập oặt làm đôi, hai bánh xe xẹp lép xếp chồng lên nhau.
Mikey đang nằm sóng xoài trên cỏ, một người đàn ông vạm vỡ cúi xuống nó. Tôi quăng xe đêp và chạy tới chỗ thằng bạn đang nằm bất động. Vừa lúc, cửa trước nhà Mikey mở to, cô Judy chạy ào ra. Tôi chưa từng bao giờ thấy ai chạy nhanh đến thế. Đồng thời, một cáng thương xuất hiện từ bệnh viện của cha tôi, theo sau là ông cùng một người đứng tuổi khác.
Người đi đường lập tức bu lại. Cô Judy quỳ xuống đầu Mikey và nhẹ nhàng xoa trán nó. Cha tôi bảo cô đừng di chuyển nạn nhân rồi cúi xuống khám cho Mikey. Gã tài xế xe tải lết ra ngồi phệt xuống đất cách đó vài mét. Một khối thịt nặng cả trăm ký là ít, bọc trong đồ bảo hộ màu xanh da trời và áo sơ mi đỏ. Hai vai u bắp chống cái cổ dày với những ngấn sâu nhuếnh ngoáng mồ hôi.
Gã ta ngồi trên cỏ điếng hồn, đầu gục xuống đầu gối, vai rũ xụi lơ, nhưng tôi không nghĩ là gã khóc.
Tôi nhìn trừng trừng người đàn ông, cố ý cho ông ta hiểu tôi căm giận tới mức nào. Đáng lẽ ông phải cẩn thận hơn chứ, tôi nghĩ. Vẻ ngại ngùng trước người lớn biến mất – họ thường không khiến tôi quan tâm. Người này vừa làm bạn tôi bị thương. Tôi muốn trả thù ông ta bằng cách kinh khủng nào đó.
Vài phút sau, Mikey tỉnh lại và bật khóc. Cha tôi giữ cho nó cố định trên tấm bạt rồi khiêng đặt lên băng ca. Cô Judy giữ tay Mikey. Tất cả cùng hối hả hướng về phía phòng cấp cứu. Chỉ còn lại mình tôi với người tài xế xe tải, giờ đã đổi tư thế ngồi gục đầu vào cánh tay khoanh vòng. Toàn thân ông ta vẫn run rẩy như bị sốt rét.
Chúng tôi ngồi im lặng rất lâu. Rồi cô Judy ra khỏi bệnh viện, bước tới chỗ chúng tôi. Cô bảo Mikey không sao cả, chỉ cánh tay bị thương nhưng không đến nỗi nặng lắm.
Tôi nghĩ cô ấy sẽ tát ông tài xế hoặc chí ít cũng sẽ chửi ông ta xối xả. Nhưng điều cô làm khiến tôi kinh ngạc: cô mời ông ta vào nhà. “Cả cháu nữa”, cô bảo tôi.
Cô Judy hỏi tên ông tài xế, mời ông ta ngồi bên lò sưởi và đi pha cà phê. Ông ta khoát tay từ chối nhưng cô vẫn mang cà phê ra, phần tôi có sữa và bánh quy. Stan, người tài xế, không nuốt nổi thứ gì, cứ ngồi chìm lỉm, chặt cứng trong chiếc ghế bành xanh da trời. Chốc chốc ông ta lại run bắn lên. Cô Judy đặt tay lên vai ông ta, cất giọng nhẹ nhàng, “Không phải lỗi tại ông. Ông không chạy quá tốc độ. Mieky đã quá liều mạng. Thật ngu ngốc! Tôi rất hối tiếc vì chuyện đó. Ơn Chúa là nó không bị thương nặng. Tôi không đổ lỗi cho ông. Ông không nên tự trách mình”.
Tôi nghe cô một cách hoài nghi. Làm sao mà cô ấy nói được những lời như thế với người suýt giết con mình? Cô ấy có làm sao không nhỉ? Một lúc sau, ông ta đứng dậy rời đi.
Khi ra tới cửa, ông ta quay lại và bảo. “Tôi cũng có một thằng con trai. Tôi hiểu điều gì khiến cô giúp tôi”.
Còn tôi thì không sao hiểu nổi vì cớ gì mà cô Judy lại có thể xoa dịu và an ủi người đàn ông… Cho mãi tới ngay hôm nay, khi tôi quẹo vào góc đường quen thuộc, và chỉ vài phân nữa là gây ra một tai nạn kinh hoàng.
Suốt ngày hôm ấy, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, nỗi sợ cứ đeo đẳng. Tôi nghĩ về mẹ của Mikey, về cái ngày mùa thu cách đây lâu lắm rồi. Mặc dù không có ai ở bên an ủi, nói rằng tôi không có lỗi, rằng điều tệ hại vẫn thường xảy ra cho dù ta có cẩn trọng đến thế nào chăng nữa, ký ức ngày ấy đã xuyên thời gian về giúp tôi nguôi ngoai.
Sự cảm thông của người mẹ – tựa món quà của lòng tốt – không bao giờ rời bỏ thế giới này. Nó có tác dụng xoa dịu và chữa lành vết thương. Và cứ tiếp tục như thế… mãi mãi.
Sưu tầm! (W.W.Meade | Hương Lan dịch)