Bà tôi có một kẻ thù tên là Wilcox. Cả bà tôi và bà Wilcox đều về làm dâu của hai nhà cách nhau một hàng giậu trên con đường tỉnh nhỏ, nơi mà nhà cửa lợp mái bằng cây du. Hai bà đã về làm dâu và sống suốt đời ở đó. Tôi không biết điều gì đã khiến hai bà trở thành kẻ thù địch của nhau từ thủa tôi chưa ra đời – và tôi nghĩ rằng khi tôi có mặt và lớn lên – 30 năm sau – chính hai bà cũng không còn nhớ được điều gì đã gây nên cuộc chiến, nhưng hai bà vẫn khiêu chiến gay gắt!
Tôi không nói sai sự thực. Ðây không phải là cuộc đấu khẩu tầm thường, mà đây là cuộc chiến toàn diện giữa các bà. Không có nơi nào trong tỉnh nhỏ này mà không bị ảnh hưởng của cuộc chiến đấu: ngôi nhà thờ ba trăm năm, vững chãi qua cuộc cách mạng nội chiến, và rồi cuộc chiến tranh giữa nước Mỹ với Tây Ban Nha, hầu như phải lung lay khi hai bà tiến hành cuộc chiến trong tổ chức tương trợ phụ nữ trong giáo hội. Bà tôi thắng cuộc chiến ấy, nhưng chiến thắng đó là một chiến thắng chỉ mang tiếng bên ngoài mà thôi. Bà Wilcox phải từ chức khỏi tổ chức này vì không làm chủ tịch được.
Bà Wilcox lại chiến thắng trong cuộc chiến ở thư viện tỉnh, khi vận động để cháu gái bà tên Gertrude được bổ nhiệm thủ thư thay vì cô tôi là Phyllis. Ngày mà cô Gertrude nhậm chức là ngày mà bà tôi ngưng đọc sách thư viện. Qua một đêm, sách của thư viện đã trở thành những thứ “ố bẩn” đối với bà. Bà tôi bắt đầu bỏ tiền mua lấy sách để đọc.
Trận chiến ở trường học là trận hòa không phân thắng bại. Hiệu trưởng trường xin được một công việc tốt hơn trước khi bà Wilcox vận động để tống khứ ông đi, hay trước khi bà tôi vận động giữ ông lại làm việc suốt đời ở đó.
Ngoài những trận chiến chính này, hai bà còn có những cuộc đột kích và trả đũa ngang qua biên giới. Khi còn nhỏ, chúng tôi thăm bà, và một phần sinh hoạt vui chơi hồi đó là khiêu khích lũ cháu hỗn láo của bà Wilcox – (hỗn láo giống như chúng tôi!) – hái trộm nho của bà, những chùm nho mọc giữa hàng rào của hai người. Chúng tôi cũng đuổi gà của bà Wilcox, và đặt thuốc súng ở đường ray xe điện, ngay trước nhà bà Wilcox, hy vọng khi xe chạy ngang thuốc sẽ nổ làm bà Wilcox hoảng hồn cho vui.
Vào một ngày cao trào, chúng tôi thả rắn vào thùng đựng nước mưa của bà Wilcox. Bà tôi phản đối tượng trưng, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự thông cảm ngầm của bà. Sự phản đối này rất khác biệt với tiếng trả lời “không” của mẹ tôi, nên chúng tôi vui vẻ tiếp tục với trò nghịch ngợm của chúng tôi. Nếu con tôi mà… Nhưng đó là chuyện khác.
Ðừng vội nghĩ đây là một cuộc chiến tranh khiêu chiến bởi một phía. Bà Wilcox cũng có một đàn cháu nữa chứ. Bọn chúng khỏe mạnh và tinh khôn hơn chúng tôi nữa là khác. Bà nội chúng tôi làm sao mà tránh khỏi sự trả đũa của chúng vào ngày lễ Halloween: Bàn ghế đồ đạc bỏ quên ngoài vườn, sáng hôm sau được thấy nằm hết trên mái của kho thóc, và bà tôi phải mất nhiều tiền mướn những người đàn ông khỏe mạnh để đưa chúng xuống.
Vào những ngày không có gió, ấy thế mà dây phơi quần áo lại bị đứt một cách bí ẩn, khiến những tấm trải giường bị lấm đất phải mang đi giặt lại. Một số chuyện bí ẩn đó xảy ra là mọi người nghĩ đến lũ cháu của bà Wilcox.
Tôi không hiểu sao bà tôi lại có thể chịu đựng nổi những nghịch ngợm quấy quả đó! May là bà có một trang báo “gia đình” trong tờ nhật báo Boston để đọc cho khuây khỏa.
Trang gia đình là một trang rất hấp dẫn. Ngoài việc đăng tải những bí quyết về nội trợ, nấu ăn, lau chùi, còn có một cột hộp thư đăng những lá thư của độc giả viết cho nhau. Mục đích của cột này là khi người ta gặp vấn đề hay chuyện bức xúc, người ta có thể viết thư đăng báo, ký tên bằng những bút hiệu riêng, tỷ như bút hiệu của bà tôi là cây Dương Mai. Rồi người khác đã từng gặp vấn đề giống vậy sẽ viết thư trả lời giải thích kinh nghiệm của mình ký tên bằng bút hiệu riêng. Thường thường khi vấn đề giải quyết xong, mọi việc chìm vào dĩ vãng, thì người ta tiếp tục viết thư cho nhau trao đổi những vấn đề khác như con cái, nhà cửa, nội trợ.
Bà tôi bị lôi cuốn vào sinh hoạt này. Bà và một bà khác bút hiệu là Hải Âu đã thư từ trao đổi với nhau hơn hai chục năm, và bà tôi đã trao đổi với Hải Âu những chuyện mà bà không bao giờ hé răng với một người khác. Tỷ như có lần bà muốn sanh thêm một người con nữa, nhưng đã không sanh; một lần khác chú tôi, chú Steve đã bị lây chí ở trường, và bà tôi rất mắc cỡ, dù là bà đã cố gắng chữa trị cho chú tôi để mọi người không biết đến. Hải Âu đích thực là người bạn tri kỷ của bà tôi.
Khi tôi được 16 tuổi, bà Wilcox qua đời. Ở một tỉnh nhỏ như tỉnh này, bất kể người ta có ghét người hàng xóm đến mức nào đi chăng nữa, cách xử thế đúng đắn thông thường là phải chạy qua để xem người ta có thể giúp gì được cho gia đình có người chết.
Bà tôi, gọn ghẽ trong cái tạp dề dường như có ý chứng tỏ là bà chuẩn bị nấu ăn, bước băng qua hai bồn bông để qua nhà bà Wilcox. Lúc ấy con gái của bà Wilcox đành nhờ bà tôi sắp xếp hộ gian ngoài tiếp khách. Và ở đó, trên bàn của phòng tiếp khách là một tập sách lớn dùng để dán sưu tập báo, trong sách sưu tập này, được dán gọn gàng theo cột, là thư từ của bà tôi gửi cho Hải Âu và thư của Hải Âu gửi lại cho bà. Kẻ thù ghê gớm nhất của bà tôi lại chính là người bạn tốt nhất của bà tôi bấy lâu nay.
Ðó cũng là dịp duy nhất mà tôi thấy bà tôi khóc, lúc ấy tôi không nhớ chính xác là bà khóc lóc điều gì, nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Bà đã khóc cho những năm dài phung phí trôi qua không bao giờ có thể vớt vát được. Lúc đó tôi đã bị ấn tượng mạnh mẽ bởi nước mắt của bà, mà đã làm cho tôi không thể quên được ngày ấy. Ðó là ngày mà tôi bắt đầu ý thức được rằng: Có những người chúng ta có thể không chấp nhận họ được. Họ có thể là bần tiện và nhỏ mọn, nhưng nếu bạn bước sang bên trái mười bước và nhìn lại, với ánh sáng chiếu ở một góc độ khác, có thể bạn sẽ thấy người đó rộng rãi, hào phóng và tử tế. Còn tùy thuộc vào góc cạnh chúng ta đứng nhìn họ.
Louise Dickínon Rich